(Xây dựng) – Trong 2 ngày 25 và 26/7 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Xây dựng tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao năng lực thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình tiết kiệm năng lượng”.
Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB) do GEF/UNDP tài trợ cho Bộ Xây dựng.
Đối tượng tham gia khóa tập huấn là các cán bộ quản lý Nhà nước về xây dựng, các kỹ sư, kiến trúc sư hành nghề tư vấn lập dự án, thiết kế, thẩm tra, quản lý dự án, giám sát và nghiệm thu công trình tại địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Giới thiệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công trình
Bà Hoàng Thị Kim Cúc – Quản đốc dự án EECB cho biết: Dự án EECB có mục tiêu dài hạn là cắt giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ ngành Xây dựng ở Việt Nam và mục tiêu trực tiếp là cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam.
Một trong các nhiệm vụ của Dự án EECB là tăng cường năng lực người hành nghề hoạt động xây dựng thông qua tổ chức các khóa tập huấn, cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng, tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2017/BXD).
Đây là khóa tập huấn thứ 3 trong số 5 khóa tập huấn được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Trước đó, Dự án EECB đã tập huấn tại TP Cần Thơ cho học viên đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ; tại TP Hồ Chí Minh cho học viên đến từ các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Nhấn mạnh vai trò của công trình tiết kiệm năng lượng (TKNL), TS. Nguyễn Trung Hòa – nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cố vấn Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) EECB cho biết: Hàng năm, ngành Xây dựng sử dụng 30 – 40% tổng năng lượng quốc gia. Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành Xây dựng có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ về kinh tế – xã hội mà có cả ý nghĩa về mặt môi trường, góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Với công trình xây dựng, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng sử dụng nhiều năng lượng, việc thiết kế và xây dựng công trình TKNL được Bộ Xây dựng quan tâm từ nhiều năm qua. Từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Sau hai lần soát xét, sửa đổi, bổ sung, QCVN 09:2017/BXD đã phát huy hiệu quả trong thực tế thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng nói chung và công trình cao tầng nói riêng.
- Nguyễn Trung Hòa nhấn mạnh: Thực tế cho thấy, nếu tuân thủ các quy định của quy chuẩn, có thể tiết kiệm được 10 – 30% năng lượng sử dụng cho công trình so với các giải pháp thiết kế và xây dựng thông thường.
Để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của quy chuẩn, người thiết kế và xây dựng công trình phải đưa ra các giải pháp kiến trúc, vật liệu, thiết bị sử dụng năng lượng trong công trình một cách hiệu quả và hợp lý. Đây là lý do giải thích vì sao, bên cạnh các cán bộ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương, khóa tập huấn đặc biệt chú trọng mời các đối tượng học viên là các kỹ sư, kiến trúc sư hành nghề tư vấn lập dự án, thiết kế, thẩm tra, quản lý dự án, giám sát và nghiệm thu công trình tại các địa phương.
Bà Hoàng Thị Kim Cúc kỳ vọng: Sau khóa tập huấn, các học viên không chỉ hiểu rõ về các yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD mà còn có thể áp dụng, thực thi tốt QCVN 09:2017/BXD trong quá trình hành nghề.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Nguyễn Công Thịnh đề nghị: Với kiến thức được trang bị, sau khóa tập huấn, các cán bộ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng ở địa phương cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc tuân thủ QCVN 09:2017/BXD trên địa bàn. Các đơn vị tư vấn đẩy mạnh áp dụng giải pháp kỹ thuật thiết kế, thi công đáp ứng yêu cầu QCVN 09:2017/BXD, nhằm thúc đẩy phát triển các công trình xanh, công trình TKNL.
Ông Thịnh cho biết: Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra việc tuân thủ QCVN 09:2017/BXD trong thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình. Luật Xây dựng sửa đổi đang được nghiên cứu soạn thảo cũng đã đưa nội dung khuyến khích phát triển công trình xanh, công trình TKNL, sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện môi trường… vào dự thảo luật.
Các địa phương vẫn còn lạ lẫm với các giải pháp TKNL trong công trình
Điều bất ngờ nhất ghi nhận tại khóa tập huấn lần này là rất ít học viên biết đến nội dung của QCVN 09:2017/BXD. Chỉ có khoảng 10% học viên trước đó đã từng được tập huấn về QCVN 09:2013/BXD (phiên bản QCVN 09 ban hành năm 2013 và đã được soát xét, bổ sung, sửa đổi thành QCVN 09:2017/BXD vào năm 2017).
Chính vì vậy, các học viên đều đánh giá khóa tập huấn rất hữu ích, cung cấp nhiều thông tin mới, phù hợp với chuyên môn của họ tại đơn vị. Giảng viên nhiệt tình, kiến thức chuyên môn và kỹ năng giảng dạy tốt, trình bày các nội dung rõ ràng. Tài liệu tập huấn đầy đủ, khâu tổ chức chu đáo…
Học viên Ngô Triều Sơn (Viện Tư vấn quy hoạch xây dựng Ninh Thuận) chia sẻ: Trước đây, tôi chưa biết đến QCVN 09:2017/BXD. Khóa tập huấn rất hữu ích, bổ sung thêm kiến thức và một số giải pháp mới trong xây dựng công trình TKNL. Sau khóa học, tôi sẽ đọc thêm tài liệu và ứng dụng các kiến thức này trong quá trình hành nghề.
Tương tự, học viên Nguyễn Công Khanh (Cty THHH Tư vấn thiết kế xây dựng Huy Hoàng) cũng cho biết: Khóa tập huấn rất bổ ích. Thực tế, đơn vị tôi thường thiết kế công trình nhỏ, quy mô không lớn nên lâu nay ít để ý đến quy chuẩn mới, bao gồm cả QCVN 09:2017/BXD. Chính vì chưa biết, chưa hiểu nên cũng chưa tư vấn được cho chủ đầu tư về các giải pháp TKNL, mới chỉ quan tâm đến kiến trúc, kết cấu, vốn đầu tư cho công trình.
Cũng là lần đầu tiên được tiếp cận với QCVN 09:2017/BXD, học viên Đào Minh Nhật (Cty THHH Xây dựng và đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa) bộc bạch: Các kiến thức đều rất mới mẻ. Nhìn chung, nhận thức về công trình xanh, công trình TKNL trên địa bàn còn hạn chế. Điển hình, TP Nha Trang có rất nhiều công trình khách sạn cao tầng, quy mô lớn nhưng rất hiếm công trình được đầu tư theo hướng công trình TKNL, công trình xanh.
Là người từng được tập huấn về các giải pháp tiết kiệm điện năng trong các tòa nhà (do Điện lực Khánh Hòa tổ chức), học viên Nguyễn Hà Thành (Cty CP Đầu tư VCN) cho biết: Ngoài các giải pháp tiết kiệm điện năng bằng việc thiết kế, đưa vào công trình các thiết bị TKNL, khóa tập huấn này còn cung cấp nhiều giải pháp liên quan đến thiết kế, xây dựng, sử dụng VLXD, thiết bị công nghệ giúp công trình TKNL, đáp ứng các yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD.
Đề cập đến việc thực thi QCVN 09:2017/BXD tại địa phương khó hay dễ, học viên Nguyễn Hà Thành cho biết: Một số chủ đầu tư trên địa bàn TP Nha Trang có quan tâm đến các giải pháp TKNL nhưng do chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với công trình thông thường nên chủ đầu tư ít lựa chọn.
Còn theo học viên Nguyễn Nhật Minh (Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế), việc áp dụng QCVN 09:2017/BXD trên địa bàn khá khó khăn bởi ngoài việc tăng chí phí đầu tư ban đầu do áp dụng các giải pháp TKNL, còn vì năng lực tư vấn ở địa phương hạn chế, chưa có kiến thức chuyên sâu về công trình TKNL.
Trong khi đó, học viên Trần Quân (BQLDA đầu tư tỉnh Khánh Hòa) thì cho rằng: Việc áp dụng QCVN 09:2017/BXD không khó, bởi hiện đã có đầy đủ các công cụ, phần mềm, giải pháp thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình bảo đảm đáp ứng yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD. Thị trường VLXD và thiết bị công nghệ TKNL trên địa bàn cũng phong phú. Nếu tư vấn đưa ra được các giải pháp TKNL tối ưu cho công trình thì dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn một chút nhưng đạt hiệu quả trong suốt quá trình vận hành công trình sau này thì tôi tin rằng các chủ đầu tư tâm huyết phát triển công trình xanh vẫn sẽ chấp nhận lựa chọn.
Học viên Ninh Quốc Khang (Sở Xây dựng Lâm đồng) cũng cho rằng các giải pháp thực thi QCVN 09:2017/BXD không khó. Tuy nhiên, tư vấn chỉ là người đề xuất các giải pháp, chủ đầu tư mới là người quyết định do đó cần mở rộng tập huấn QCVN 09:2017/BXD cho các đối tượng là chủ đầu tư.
Với những kiến thức thu được từ khóa tập huấn, anh Khang cho biết, sẽ áp dụng vào công việc thẩm định của mình. Đối với các công trình bắt buộc phải tuân thủ QCVN 09:2017/BXD, khi chủ đầu tư đưa hồ sơ lên, cán bộ thẩm định sẽ có buổi làm việc để chủ đầu tư giải trình về các giải pháp TKNL trong công trình. Chỉ khi các giải pháp bảo đảm và vượt các yêu cầu QCVN 09:2017/BXD thì công trình mới đủ điều kiện thẩm định và trình phê duyệt.
Các học viên kỳ vọng Dự án EECB cùng với Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn tương tự để có nhiều hơn người làm nghề, đơn vị được nâng cao năng lực trong thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình TKNL, trong việc tham mưu cho chủ đầu tư về công trình TKNL.
Và để phổ biến rộng rãi QCVN 09:2017/BXD, bên cạnh các đối tượng tập huấn hiện nay, cần mở rộng đối tượng đến các chủ đầu tư, các giảng viên trường đại học…
- 7 ý tưởng tuyệt vời để tiết kiệm không gian trong căn hộ nhỏ
- Các loại cây cảnh trang trí nhà hợp phong thủy cho người mệnh Mộc
- Với đèn led thì bộ giường ngủ của gia đình cũng trở nên thu hút
- Để không gian phòng ăn mát lành đừng quên bổ sung cây xanh
- Tham khảo cách thiết kế phòng ăn đơn giản, mộc mạc và tinh tế